Nữ giới

Những yếu tố không ngờ gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới

Cập nhật1096
0
0 0 0
Theo ước tính, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng ngày càng tăng cao, lên đến 7,7% và ngày càng trẻ hóa. Bởi một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sinh sản, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến vô sinh mà thường bạn sẽ không chú ý đến. Các chuyên gia cảnh báo, khi vợ chồng giao hợp thường xuyên, không sử dụng phương pháp tránh thai nào nhưng chưa có tin vui, hãy lưu ý những yếu tố nguy cơ gây vô sinh ở nữ giới dưới đây.


1. Béo phì

Theo Bác sĩ CKI Cao Tuấn Anh, Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Thừa cân có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến sản xuất hormone và quá trình rụng trứng, cản trở khả năng thụ thai của nữ giới.”
Estrogen ngoài tiết ra trong buồng trứng, cũng được sản xuất trong các tế bào mỡ. Vậy nên tình trạng béo phì khiến các tế bào mỡ sản xuất nhiều estrogen. Việc dư thừa estrogen dẫn đến nồng độ estrogen cao kéo dài, không lên xuống như trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, không tạo được phóng noãn và kinh nguyệt, điều này khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.
Một nghiên cứu về khả năng sinh sản và vô sinh cho thấy những người phụ nữ béo phì ở độ tuổi 18 có nguy cơ cao phát triển hội chứng buồng trứng đa nang, nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh.
 

2. Thiếu cân
Phụ nữ có chỉ số BMI (Body Mass Index) dưới 18 (người đang thiếu cân) khó thụ thai hơn những người bình thường. Do họ thiếu leptin, một hormone kiểm soát cơn đói và mang lại cảm giác no lâu. Điều này cản trở quá trình rụng trứng và làm chu kỳ kinh nguyệt thất thường, thậm chí mất kinh.


BMI=Cân năng (kg) / (Chiều cao)2 (m2)

3. Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Một nghiên cứu của Tạp chí Environmental Health Perspectives cho biết tiếp xúc thường xuyên với các chất gây ô nhiễm, thuốc trừ sâu và các hợp chất độc hại trong công nghiệp có thể làm giảm 29% khả năng thụ thai của một cặp vợ chồng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Washington, 15 loại hóa chất thông dụng có liên quan tới việc mãn kinh sớm ở nữ giới như phthalates (thường được tìm thấy trong các mỹ phẩm, nước hoa…), độc tố furan hay một số chất trong quá trình đốt công nghiệp.
 

4. Hút thuốc lá
“Phụ nữ hút thuốc có khả năng vô sinh cao gấp đôi so với người không hút thuốc. Vì thế nếu bạn là người hút thuốc và dự định có con, điều tốt nhất bạn có thể làm là từ bỏ việc hút thuốc trước khi cố gắng mang thai”, bác sĩ Cao Tuấn Anh cho biết.
Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, bệnh tim, khí phế thũng và một số vấn đề sức khỏe khác. Các chất độc có trong thuốc lá gây hại không chỉ cho phổi mà còn cho toàn bộ sức khỏe của cơ thể bạn, bao gồm cả hệ thống sinh sản của bạn.

Hút thuốc có liên quan đến các vấn đề sinh sản sau đây:
Tắc nghẽn ống dẫn trứng (ngăn trứng và tinh trùng gặp nhau) và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung;
Tổn thương trứng khi phát triển trong buồng trứng;
Tăng nguy cơ sảy thai;
Thay đổi cổ tử cung, đặc biệt là tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
 
Hút thuốc lá không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, mà còn cản trở quá trình thụ thai của người phụ nữ. Theo Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ, hút thuốc chiếm 13% nguyên nhân của các trường hợp vô sinh. Tỷ lệ sảy thai cao hơn ở những người phụ nữ không hút thuốc.
Hơn thế, khói thuốc còn gây rối loạn hormone và tiêu diệt AND ở cả nam và nữ giới. Khi phụ nữ tiếp xúc với khói thuốc, chức năng nội tiết bị phá vỡ, ảnh hưởng đến sự rụng trứng, gây vô sinh.
 

5. Uống rượu
Các bác sĩ cảnh báo một ly rượu mỗi ngày tăng nguy cơ rối loạn rụng trứng ở nữ giới. Thậm chí, phụ nữ mang thai uống rượu trong giai đoạn đầu của thai kỳ có khả năng sinh non.
 

6. Tiêm thuốc tránh thai
Khi dừng các biện pháp tránh thai nội tiết tố, bạn có thể mang bầu trong vòng một tháng. Tuy nhiên, tránh thai bằng cách tiêm lại là ngoại lệ. Mỗi mũi tiêm có thể phòng ngừa thụ thai từ 12-14 tuần. Bởi vậy, sau khi dừng tiêm thuốc, bạn phải mất một năm mới có thể thụ thai.
Do đó, các bác sĩ khuyên phụ nữ nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai dạng tiêm khoảng vài tháng trước khi lên kế hoạch có thai.

7. Tập thể dục quá sức

Tập thể dục thể thao là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn phải có một chế độ tập luyện phù hợp với trạng thái cơ thể bạn. Nếu không sẽ trở thành một liều thuốc độc đấy. Tập luyện quá nhiều có thể có tác động tiêu cực đến sự rụng trứng của phụ nữ. Một nghiên cứu về khả năng sinh sản và vô sinh cho biết phụ nữ tập luyện quá độ khó thụ thai gấp 3 lần so với những người rèn luyện vừa sức.

8. Rối loạn tuyến giáp

Trong số các nguyên nhân gây vô sinh nữ thì bệnh lý tuyến giáp cũng là một tác nhân nguy hiểm. Các hormon tuyến giáp có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục nên nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.
Theo tạp chí Sản Phụ khoa The Obstetrician & Gynaecologist đã công bố khá rõ về việc những bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến sinh sản của nữ giới bao gồm các giai đoạn trước, trong và sau khi thụ thai. Theo đó, các nhà khoa học cho biết, đây là bệnh lý có tác động mạnh đến chức năng sinh sản của phụ nữ, thậm chí còn có thể gây ra những hệ lụy khó lường như: thai lưu, sinh non, sảy thai,...
Bệnh lý tuyến giáp còn dẫn đến, chu kỳ kinh nguyệt thất thường, vô kinh, tắc kinh trong khoảng thời gian dài. Điều này khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.

9. Caffeine

Một nghiên cứu của Đại học Y Nevada cho thấy caffeine gây trở ngại cho sự co cơ, khiến trứng di chuyển khó khăn từ buồng trứng tới tử cung. Phụ nữ sử dụng hơn 500 mg caffeine mỗi ngày (tương đương khoảng 5 cốc cà phê) sẽ giảm đáng kể khả năng có thai. Lượng caffeine an toàn bạn nên tiêu thụ là khoảng 200 mg/ngày.

10. Các vấn đề về sức khỏe

Hội chứng đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của người phụ nữ. Ngoài ra, những người bị rối loạn tự miễn dịch (như lupus, viêm khớp dạng thấp) cũng khó có thai vì quá trình gặp nhau giữa trứng và tinh trùng không thể diễn ra.

11. Mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Các bệnh như lậu, giang mai hay chlamydia có thể gây ra các vấn đề viêm xương chậu. Thực tế, vi khuẩn chlamydia có thể gây ra sẹo ở ống dẫn trứng, đây là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ vô sinh.

12. Căng thẳng

Phụ nữ phải chịu áp lực trong thời gian dài sẽ khiến cho buồng trứng không tiếp tục bài tiết hormone nữ, rụng trứng, kinh nguyệt thất tường, thậm chí tắc kinh. Điều đó khiến quá trình thụ thai gặp khó khăn. Những người làm việc trong môi trường cạnh tranh ác liệt, lượng công việc luôn chồng chất, căng thẳng, khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng cao.

13. Tuổi tác

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh nữ ngày càng tăng. Khoảng 1/3 các cặp vợ chồng – trong đó người phụ nữ trên 35 tuổi – có vấn đề về khả năng sinh sản.
Tuổi tác ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng trứng. Ngoài ra, nếu chồng của bạn lớn hơn bạn 5 tuổi trở lên, điều này có thể làm tăng thêm nguy cơ của bạn về các vấn đề sinh sản sau tuổi 35:
Buồng trứng ít có khả năng giải phóng trứng;
Số lượng trứng còn lại ít hơn với độ tuổi trước 30;
Chất lượng trứng bị ảnh hưởng;
Có nhiều khả năng bị sẩy thai sau độ tuổi 35, và nguy cơ về dị tật bẩm sinh ở thai nhi cao hơn.


Đa phần các bệnh lý sinh ra, ảnh hưởng đến xấu sức khỏe đều xuất phát từ lối sống sai lầm của bạn. Đừng vì những thích thú trước mắt mà phải chịu những hậu quả khôn lường về sau.

Sức khỏe là quan trọng nhất. Hãy dừng ngay những lối sống sai lầm, thiết kế cho mình một chế độ sinh hoạt phù hợp để đưa cơ thể mình về trạng thái tốt nhất. Lựa chọn thời điểm có thai phù hợp đừng để quá muộn mới tìm người cứu chữa!

Phần 1: Vô sinh hiếm muộn ở nữ giới và nguyên nhân bệnh
Phần 2: Triệu chứng, yếu tố gây bệnh và cách phòng và phương pháp chữa trị
 
Nguồntamanhhospital.vn
Lượt xem01/07/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết
Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng